Việc lập quỹ chi tiêu chung, theo dõi đánh giá chi tiêu hàng tháng hay lập quỹ dự phòng khẩn cấp… sẽ giúp vợ chồng bạn dễ dàng quản lý tài chính khi mới kết hơn. Việc này cần có sự đồng thuận của cả 2 và có một kế hoạch cụ thể. Để hiểu rõ hơn về những cách quản lý chi tiêu sau kết hôn, hãy theo dõi bài viết dưới đây!
Nội dung chính:
1. Lập quỹ chi tiêu chung của cả gia đình
Các cặp đôi nên cân nhắc đến việc thiết lập một quỹ chung ngay sau khi kết hôn để chi tiêu vào những hoạt động hàng ngày. Hai bạn hãy nói chuyện, thảo luận với nhau về việc chia sẻ trách nhiệm tài chính dựa trên mức thu nhập hàng tháng của mỗi người. Điều này giúp hai vợ chồng có thể san sẻ áp lực tài chính, cùng nhau kiểm soát chi tiêu một cách khoa học để tích lũy tài sản hiệu quả cho tương lai.
Các cặp đôi có thể tham khảo ngay phương pháp 6 chiếc lọ trong việc lập kế hoạch chi tiêu:
- Lọ 1: 55% quỹ dành cho các khoản chi tiêu thiết yếu như tiền nhà, tiền điện, tiền xăng xe, tiền ăn uống…
- Lọ 2: 10% quỹ dành cho việc tiết kiệm dài hạn, thực hiện các mục tiêu trong tương lai như du lịch, mua xe, mua nhà…
- Lọ 3: 10% quỹ dành cho các hoạt động tự do tài chính, đầu tư cho tương lai (mua bảo hiểm, góp vốn đầu tư kinh doanh…)
- Lọ 4: 10% quỹ dành cho giáo dục, đăng ký các khóa học mở mang, phát triển bản thân, hay tiền học của con cái…
- Lọ 5: 10% quỹ dành cho các hoạt động vui chơi, giải trí, thư giãn như nghỉ dưỡng, xem phim, đi ăn cùng bạn bè…
- Lọ 6: 5% còn lại dành cho dự phòng rủi ro, phát sinh.
Tìm hiểu thêm: 6 cách tiết kiệm tiền hiệu quả cho gia đình
Lập quỹ chi tiêu và phân bổ hiệu quả với phương pháp 6 chiếc lọ
2. Theo dõi và đánh giá chi tiêu hàng tháng
Việc theo dõi và đánh giá chi tiêu hàng tháng là một thói quen tốt mà các chuyên gia tài chính khuyến khích thực hiện để quản lý chi tiêu hiệu quả trong gia đình. Nhờ hành động này, bạn sẽ cắt giảm được những khoản chi tiêu lãng phí, dự kiến chính xác hơn cho những khoản chi trong tương lai.
Để theo dõi và đánh giá chi tiêu hiệu quả, vợ chồng bạn có thể thực hiện một số việc sau:
- Ghi lại những khoản chi tiêu hàng ngày vào một quyển sổ hay những ứng dụng trên điện thoại.
- Tổng hợp và so sánh chi tiêu các tuần, các tháng với nhau.
- Xem xét cắt giảm chi tiêu không cần thiết và điều chỉnh kế hoạch chi tiêu phù hợp.
Hãy tạo thói quen theo dõi chi tiêu định kỳ hàng tháng hay 3 tháng một lần tránh việc chi tiêu hoang phí
3. Xây dựng quỹ dự phòng khẩn cấp
Quỹ dự phòng khẩn cấp là phần tiền dành riêng cho các tình huống phát sinh như bệnh tật, thất nghiệp, khó khăn trong kinh doanh hoặc tai nạn bất ngờ. Việc tạo quỹ dự phòng giúp các cặp đôi yên tâm, giảm áp lực tài chính khi cần chi những khoản lớn nằm ngoài kế hoạch chi tiêu đã đề ra.
Có nhiều cách để các cặp vợ chồng xây dựng quỹ dự phòng khẩn cấp, ví dụ như gửi tiết kiệm có kỳ hạn, đầu tư cổ phiếu, trái phiếu… Nếu muốn sinh lời ổn định, vợ chồng nên ưu tiên lựa chọn gửi tiết kiệm ngân hàng với kỳ hạn trên 6 tháng để được hưởng lãi suất tốt, tránh các rủi ro khi đầu tư tài chính.
Hãy luôn có một quỹ dự phòng chỉ dùng cho những trường hợp khẩn cấp
Trên đây là 3 mẹo quản lý tài chính hiệu quả dành cho vợ chồng mới cưới. Hãy đặt ra mục tiêu tài chính chung, tuân thủ kế hoạch tài chính đã đề ra để xây dựng cơ sở tài chính vững chắc cho tương lai bạn nhé!